Kiến thức

Các chuẩn mực văn hóa – xã hội và bình đẳng giới của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam

REF: Hoa, D. T., Tram B. T. H., Mai N. T. T., Hai M.V. (2022). Socio-cultural Norms and Gender Equality of Ethnic Minorities in Vietnam. Journal of Racial and Ethnic Health Disparities. DOI: https://doi.org/10.1007/s40615-022-01393-5

Bối cảnh

Ba mươi năm trước, Việt Nam là một nước nghèo có thu nhập thấp; từ đó đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là tỷ lệ xóa đói giảm nghèo cao. Những định kiến văn hóa vẫn là nguyên nhân gốc rễ của sự bất bình đẳng đối với phụ nữ và trẻ em gái, tạo thành rào cản đối với việc tiếp cận các cơ hội về giáo dục, chăm sóc sức khỏe và được đối xử bình đẳng.

Phương pháp luận

Nghiên cứu này sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm tổng quan tài liệu về định kiến văn hóa và bình đẳng giới và khảo sát bình đẳng giới đối với các dân tộc thiểu số trên 2894 hộ gia đình của IFGS năm 2019. Nghiên cứu đã phân tích mối tương quan giữa các biến khác nhau, bao gồm giới tính, dân tộc, loại hình gia đình, nhận thức của cha mẹ về cơ hội đi học, chăm sóc sức khỏe và đối xử bình đẳng của trẻ em gái dân tộc thiểu số. Ngoài ra, nghiên cứu này sử dụng tư liệu từ dữ liệu định tính thu thập được từ 15 cuộc phỏng vấn sâu và câu chuyện đời thường.

Kết quả

Định kiến giới truyền thống là một trở ngại lớn trong việc đạt được bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em gái. Phong tục, tập quán, văn hóa tạo nên những định kiến đối với phụ nữ và trẻ em gái trong nhận thức của phần đông các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Được coi là trụ cột của gia đình, bên cạnh việc chăm sóc các thành viên khác trong gia đình, phụ nữ dân tộc thiểu số phải tham gia vào lực lượng lao động. Họ còn thiếu các cơ hội để giao tiếp bên ngoài cộng đồng nhỏ của họ.

Vì vậy, ở một số dân tộc thiểu số, tỷ lệ trẻ em gái tảo hôn và tình trạng mang thai sớm dường như vẫn còn cao; điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của trẻ và dẫn đến những hậu quả tiêu cực về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho các bà mẹ và trẻ em. Bên cạnh đó, những em gái lấy chồng sớm để chiều lòng cha mẹ phải bỏ học, hạn chế tương tác xã hội của họ. Các nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như nhận thức hạn chế, chấp trước vào tín ngưỡng truyền thống và định kiến của cha mẹ (rằng việc đi học được ưu tiên cho con trai), đã “nhốt” các em gái vị thành niên vào vòng luẩn quẩn của tảo hôn và bỏ học.

Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ mù chữ của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam cao.

Kết luận

Những định kiến truyền thống về giới đã trở thành rào cản lớn đối với sự phát triển của phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Tình trạng tảo hôn và mang thai ở tuổi vị thành niên xuất phát từ quan niệm trẻ em gái không cần phải học hành mà phải tham gia lao động càng sớm càng tốt và chăm sóc gia đình; kết quả là một loạt các hậu quả tiêu cực, bao gồm cả việc khiến các em gái không được đến trường và không được giao tiếp xã hội. Phụ nữ dân tộc thiểu số có tỷ lệ mù chữ cao và hạn chế về giao tiếp xã hội nên khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của họ rất kém. Vòng xoáy bất bình đẳng giới đối với trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam vẫn đang tiếp diễn khi nhận thức của các bậc cha mẹ chưa thay đổi.

Trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp tục bị gạt ra ngoài lề bởi những rào cản về định kiến giới và văn hóa truyền thống.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *